SỐNG CHUNG HÒA HỢP KHI MẸ CÓ THÊM EM

SỐNG CHUNG HÒA HỢP KHI MẸ CÓ THÊM EM
SONG-CHUNG-HOA-HOP-KHI-ME-CO-THEM-EM-59

Điều quan trọng nhất vẫn nằm ở sự quan sát con và cảm nhận trong tĩnh lặng của ba mẹ. Khi có sự kết nối sâu sắc rồi, mọi rắc rối sẽ biến mất một cách kỳ diệu. Vài lời khuyên nhỏ cho ba mẹ:

▶ Khẳng định tình yêu thương vô điều kiện mình dành cho con.
Dù cho con có thể hiểu chuyện tới đâu đi chăng nữa, khi có em bé ra đời, con cũng sẽ vô hình bị thấy mất đi, thiếu đi sự quan tâm của ba mẹ. Đôi khi con sẽ buồn bã, chán nản, hờn giận vô cớ, thậm chí có thể có những hành động mà chính ba mẹ chúng ta cũng ngạc nhiên và phiền lòng.
Ba mẹ hãy hiểu cho con, con đang trong một giai đoạn “khủng hoảng”.
Và điều lúc này con cần nhất là những cái ôm, sự thấu hiểu và tình yêu thương vô điều kiện của ba mẹ. Xin ba mẹ đừng quát mắng.

▶ Khuyến khích con chia sẻ cảm xúc
Ba mẹ hãy tận dụng thời gian để nói về các cảm xúc có phần “tiêu cực” một cách nhẹ nhàng:
“Làm chị đôi khi khó lắm. Đôi khi, con có thể bực bội với em mà có khi chính con cũng không hiểu tại sao luôn. Mỗi khi con cảm thấy khó chịu, con hãy nói với bố mẹ nhé. Mẹ lúc nào cũng ở đây và luôn yêu con”
... khi ba mẹ càng cởi mở đón nhận những cảm xúc của con, con càng có cơ hội nhìn lại và làm bền chắc hơn sợi dây yêu thương với em mình.
 

▶ Thiết lập các giới hạn
Có đôi khi con có những hành vi “yêu em” hơi quá đà, hoặc do bực tức mà sinh ra những hành vi vượt qua giới hạn an toàn và chừng mực.
Khi con có những hành vi có vẻ mạnh tay với em, ba mẹ cần nhẹ nhàng, bình tĩnh nhưng dứt khoát xác định rõ các giới hạn với con:
“Ba mẹ không đồng ý với việc con véo vào em!”
... ngay sau đó, khi con đã bình tĩnh, ba mẹ hãy nói chuyện với con nhiều hơn để con hiểu về các giới hạn:
“Mẹ biết con rất yêu em, muốn chạm vào em, nhưng nếu con véo em, em sẽ rất đau, lần sau con nhẹ nhàng hơn nhé! Con là một người chị tuyệt vời!!”

▶ Tránh nói những điều con cảm thấy có lỗi
Khi đã thiết lập hết những giới hạn an toàn, bé đã hiểu chuyện. Việc của ba mẹ là tin tưởng con, ở bên cạnh con và khích lệ để những hạt giống yêu thương trong con nảy mầm tươi tốt. Hãy nói với con thật nhiều những câu nói yêu thương, khích lệ:


“Kể từ nay, con đã là chị rồi đó.
Ngày xưa con cũng là một em bé, bé xíu xiu thế này này.
Bây giờ con đã lớn, con biết chăm sóc và bảo vệ em cho bố mẹ rồi.
Con biết lúc nào em đói, em cần gì này.
Bố mẹ thấy con là người chị tuyệt vời nhất trên đời đó.
Mỗi khi em bé ngủ, mẹ thấy con chỉ rất nhẹ nhàng chơi với đồ chơi, khi em dậy khóc thì con dỗ em và ngay lập tức gọi mẹ...
Con đúng là người chị tuyệt vời nhất trên đời!”
Ba mẹ tuyệt đối đừng dán cho con những nhãn mác “không ngoan”, “ích kỷ” “hư”. Nếu ba mẹ nói với con những lời như thế, dần dần trẻ sẽ nghĩ mình là người xấu chứ không phải đơn thuần là hành động đó xấu. Trẻ sẽ tin như vậy. Và niềm tin này mãnh liệt lắm. Nó sẽ lại làm cho những hạt giống bạo động trong con nảy mầm...

▶ Khoảng thời gian riêng cho con
Hãy dành cho con những khoảng thời gian riêng. Khi em bé đã đi ngủ hoặc khi có người khác bế em bé. Chỉ 20 phút/ ngày thôi cũng được.
Ba mẹ hãy ôm con vào lòng, nói những lời yêu thương, tâm sự với con về tất cả những cảm xúc tiêu cực hay tích cực trong lòng con. Tôn trọng con, yêu thương tất cả những cảm xúc đang có của con. Hãy để con luôn nhớ răng, ba mẹ vẫn ở đó, và tình yêu thương dành cho con chưa bao giờ là vơi đi...
...
Được làm anh/ làm chị là một điều thật tuyệt vời. Hãy để cho con thấy được điều đó.
Chúc ba mẹ có những giây phút vui vẻ, bình yên bên các con! 

                                                                                              Kim Tuyến - Ban Biên tập
                                                                                   Giảng viên trường Đại học Y Hà Nội
                                                                                      Giáo viên Montessori Quốc tế LT

 

Ngày: 7/5/2020 - đăng bởi: giangnguyen
giangnguyen 05/09/2020 09:29:32 AM

Tag: #Trò chuyện cùng chuyên gia tâm lý



:

----------------