ĐỌC SÁCH CÙNG CON

ĐỌC SÁCH CÙNG CON
DOC-SACH-CUNG-CON-3

 

(Trích trong tập sách “Yêu thương mẹ kể”- tác giả Phan Thị Hồ Điệp – NXB Lao Động-

Thai Ha books phát hành)

 

 

 Đọc sách cùng con là một hoạt động rất thú vị, rất dễ thực hiện và đem lại nhiều ích lợi cho cả cha mẹ và các con. Khi các con còn nhỏ thì rất dễ để thu hút các con nghe mình đọc sách, những lúc đó thì level “kết nối thực” giữa ba mẹ và con rất là cao. Nhưng khi các con lớn hơn, đã biết đọc rồi thì làm sao để vẫn giữ được kết nối tốt với con đây?

 

LFK xin giới thiệu bài viết "Đọc sách cùng con" của mẹ Phan Thị Hồ Điệp, mẹ của bạn Đỗ Nhật Nam, bài viết rất nhẹ nhàng, thủ thỉ mà rất vui tươi đúng phong cách của mẹ Điệp.

 

▲Mình rất tâm đắc với gợi ý của tác giả khi “đặt hàng” con kể lại cho mẹ nghe nội dung những truyện con đã đọc hoặc mẹ mong con đọc. Nếu cha mẹ và con giữ được kết nối tốt như vậy thì sau này dù con đã có thế giới riêng của mình thì con vẫn sẵn sàng chia sẻ với ba mẹ, và những vấn đề của giai đoạn khủng hoảng tuổi teen chắc sẽ bớt đi nhiều nhiều đấy nhỉ!

 

    Mình luôn tâm niệm rằng, vốn ngôn ngữ, khả năng viết văn mà mỗi người có được phần nhiều là do tích lũy từ việc đọc sách. Thế nên, trong quá trình phát triển của Nam, mình luôn chú trọng đến việc đọc sách. Nhưng nếu các mẹ hỏi cho Nam đọc những sách gì thì quả thực hơi khó trả lời vì… nhiều quá. Mình viết bài này để chia sẻ những điều mình đã làm nhé.


Cùng con đọc sách từ khi nào?
Câu trả lời là: Từ trong bụng mẹ. Lúc mới mang thai, mình đã lên kế hoạch đọc sách cho con nghe. Mình chọn những truyện nhẹ nhàng mà nhân vật chủ yếu là mèo, thỏ... Khi thì mình đọc, khi thì kể cho con, lúc đó còn như viên bi trong bụng. Mình duy trì việc đó cho đến tận khi sinh. Không hôm nào bỏ cả, dẫu có mệt đến mấy. Mỗi ngày 30 phút dành cho đọc sách. Thi thoảng, mình cũng có màn “tương tác” bằng cách xoa bụng, hỏi xem con có thấy hay không. Hihi. Hôm trước nói chuyện với một mẹ, mình cũng nói rằng, khi áp dụng phương pháp nào đó, quan trọng nhất là kiên trì. Đừng thấy con chưa đáp ứng là chán nản bỏ cuộc. Cần có một khoảng thời gian để thẩm thấu, như những hạt mưa xuân rơi trên nền đất vậy. Đọc sách và nghe nhạc là việc mình làm hàng ngày, hàng ngày.

Khi Nam ra đời, mình tiếp tục đọc sách cho con nghe. Ở giai đoạn 7 tháng tuổi trở đi, mình chọn những sách phát triển tri giác, để đọc xong cho con trải nghiệm bằng cách sờ. Ở Nhật, loại sách này bán rất nhiều mà cũng rất đắt. Vậy nên mình phải đọc “tiết kiệm” lắm, mỗi cuốn thường đem ra đọc đi đọc lại đến cũ mèm ấy. Nhưng mà mỗi hôm nghĩ ra một cách khác nhau để con không thấy chán. Cứ thế, mình giữ thói quen đọc sách cho con và sau này là cùng con đọc sách.

 

Cho con nghe/đọc những sách gì?

      Khi Nam còn nhỏ, mình khá kĩ trong việc chọn sách cho con. Mình ưu tiên những cuốn sách nhỏ xinh mà đọc xong con thấy vui. Các câu chuyện về loài vật luôn được mình ưu tiên vì mình muốn con được sống vui cùng với vạn vật quanh mình. Mình cũng hay dùng cuốn 365 truyện mẹ kể hàng đêm. Nhưng không phải truyện nào trong đó cũng hay nên mình phải chọn lựa. Mình cũng thích những truyện dịch của nước ngoài có hình minh họa đẹp mắt. Đôi khi, mình cho con xem truyện nguyên tác. Mặc dù Nam chưa biết đọc nhưng mình vẫn đọc cho Nam nghe và cho xem tranh. Đến khi Nam lớn hơn thì đọc tất cả các thể loại, cả tiếng Anh và tiếng Việt.

 

Làm thế nào để con trân trọng sách?

     Mình nghĩ, điều quan trọng đầu tiên giúp con trân trọng sách, chính là thái độ của bố mẹ với sách. Ở nhà mình, chắc có lẽ ai mượn cái gì cũng được nhưng thận trọng nhất là cho mượn sách, vì sợ mất. Hihi. Chỗ cả nhà yêu thích nhất là nơi để tủ sách. Cả nhà thường ngồi đọc cùng nhau. Im lặng và chia sẻ. Trong nhà mình, sách là thứ được nâng niu. Khi Nam còn nhỏ, không bao giờ mình để cho Nam chơi, vò hoặc dẫm lên trang sách. Hễ lỡ có cuốn nào bị bong bìa, long gáy là cả nhà xúm lại “cứu chữa”. Cứ khi đọc cho con xong, mình cùng con để sách lên trên giá. Mình dạy Nam, mỗi khi muốn đọc sách, con hãy nói: “Bạn sách ơi, xuống đây tớ với bạn chơi một lát nhé!”. Khi đọc xong lại đặt vào giá và nói: “Cảm ơn sách. Chào bạn nhé. Tớ đi làm việc khác đây.” Như kiểu người nông dân khi hái lá trầu phải nói lời xin lỗi vì đã làm “đau” lá trầu. Mình dạy cho con “Vạn vật hữu linh” từ những việc nhỏ bé như vậy. Ngày nghỉ, cả nhà hay lau dọn giá sách và tất nhiên Nam cũng tham gia. Phần thưởng cho những việc tốt của Nam là được đi nhà sách và chọn sách. Đó cũng là khoảng thời gian tuyệt vời nhất của Nam. Nam chọn lựa rồi cân nhắc. Cứ thế, giá sách trong nhà mỗi ngày một đầy lên.

 

Làm thế nào để con thích đọc sách?

       Trong giá sách, mình cho Nam chia ra thành hai ngăn: Những cuốn sách Nam thích đọc, Nam được để riêng. Nam sẽ đọc những cuốn đó trong thời gian rảnh rỗi. Và ngăn thứ hai là những cuốn sách mà mẹ khuyến khích Nam đọc. Ngày Nam còn nhỏ, ngoài việc quy định một giờ đọc sách cố định cho cả nhà, mình cũng thường có những cách mà mình nghĩ sẽ giúp Nam yêu sách hơn, chẳng hạn như:
- Diễn lại nội dung của truyện có sử dụng thêm “đạo cụ” do hai mẹ con tự tạo ra.
- Nói chuyện với Nam về một cuốn truyện/cuốn sách: Con thích nhân vật nào? Không thích nhân vật nào? Con có thích phần kết không? Có thích tựa đề không? Con muốn thay đổi chi tiết nào? Con có ý định viết ra một câu chuyện khác không?
- Nêu ý kiến của mẹ. Mình nghiệm ra rằng, nếu chỉ hỏi con mà mẹ không có ý kiến của mình, con sẽ rất nhanh chán. Như một cuộc “thương thảo” cần có ý kiến của hai bên, mẹ cũng cần đưa ra ý kiến của mình. Nhưng muốn thế, mẹ phải nghiêm túc suy nghĩ về những câu trả lời cho những câu hỏi đã đặt ra ở trên để có những cách giải thích phù hợp với tâm lý của con trẻ. Không áp đặt cũng không “lên gân”, mình thường nói theo kiểu hơi bông đùa một chút để con cũng bật cười. Ví dụ với truyện Rùa và Thỏ, mình nói: “Nếu là mẹ, mẹ sẽ đặt lại tên truyện là: Không nên béo. Tại vì bạn Rùa béo quá nên bạn chạy chậm, phải nhờ mẹo mới thắng. Mẹ cũng đổi lại phần kết của câu chuyện như sau: Bạn Rùa sau khi nhận lời thách đố của Thỏ về quyết tâm lên kế hoạch giảm cân. Khổ nỗi, có nhiều món ngon hấp dẫn quá nên bạn ấy cứ ục ịch mãi. Ngày thi đến gần, Rùa đến gặp Thỏ, vác theo củ cà rốt. Bạn Rùa nói với Thỏ: “ Anh ăn hết đi rồi tôi với anh chạy thi.” Bạn Thỏ thấy cà rốt thích quá ăn lấy ăn để, ăn xong thì mắt díp lại. Ai ăn xong mà chả buồn ngủ. Thế là lăn ra ngủ. Rùa thấy vậy cũng ngủ theo, ngủ dậy thì cả hai bắt tay nhau, chẳng ai còn nhớ đến cuộc thi nữa…” Đấy, câu chuyện của mình là thế. Nam nghe xong cứ cười ngặt nghẽo và nói: “ Mẹ chê em béo chứ gì? Em biết thừa rồi.” Mình bảo: “Em béo nhưng mà em dễ thương, như bạn Rùa ấy.” Hihi. Khi đó Nam gần ba tuổi.


- Giải thích cho con hiểu, cảm nhận thêm về truyện: Nhiều khi những phần giải thích của mẹ sẽ khiến con thêm yêu câu chuyện, cuốn sách mình đọc. Mình thường tìm hiểu về những thể loại con đọc để có cách giải thích hoặc cảm nhận cho phù hợp. Ví dụ, với một câu chuyện kinh điển như Tấm Cám. Mọi người thường lên án là khi kết truyện, Tấm độc ác quá. Khi kể cho Nam nghe truyện này, mình chỉ cho Nam thấy: “Giống như các truyện cổ tích khác, Tấm Cám được bắt đầu bằng cụm từ “ngày xửa, ngày xưa”, nghĩa là thời gian mà cả mẹ và con đều không được chứng kiến. Những nhân vật ấy đều được làm nên từ trí tưởng tượng của người dân. Khi con nghe, con hãy chú ý đến những chi tiết về làng quê Việt Nam, như cây xoan đào, cây cau, cây khế... Và khi cô Tấm được hóa thân, cô cũng thành những vật đẹp đẽ như chim vàng anh, cây xoan đào, quả thị thơm. Ngày mẹ còn bé, mẹ rất thích đọc những câu ca trong đó: Thị ơi thị rụng bị bà/Bà để bà ngửi chứ bà không ăn. Cô Tấm hành động như cuối truyện con thấy là do đây là câu chuyện đời xưa. Những câu chuyện được xây trên trí tưởng tượng hoang đường, kì ảo. Sau này, đến thế hệ các con, các con sẽ viết nên những câu chuyện đẹp đẽ khác để khoảng 100 năm sau, một thế hệ khác ra đời ngồi đọc lại và sẽ lại thắc mắc: “Cụ Nam ơi, sao máy tính lại chỉ dùng con chuột bằng tay.” Kiểu giải thích như thế làm Nam thấy thích hơn mỗi khi đọc truyện.

        Tất cả những điều trên mình làm khi Nam còn nhỏ, khi Nam chưa thích đọc những truyện mà mình mong muốn con đọc. Còn khi Nam lớn hơn, Nam được tự chọn truyện mình thích nhưng với yêu cầu, kể lại cho mẹ nghe vào mỗi tối. Tối nào, khi đi dạo hoặc trước khi đi ngủ, Nam cũng được yêu cầu kể. Mình thường nghe rất say mê, thi thoảng mình hỏi những chi tiết trong truyện. Có nhiều khi, mình còn “viết bài thu hoạch” sau khi nghe xong câu chuyện. Trong đó mình nêu cảm nghĩ của mình. Mình cũng “đặt hàng” cho Nam những câu chuyện mình thích. Cứ thế, việc này mình duy trì cho đến khi Nam đi học xa nhà.

      Bây giờ ở xa nhưng Nam vẫn cập nhật truyện cho mẹ. Cứ đọc được truyện gì hay lại note lại cho mẹ. Hôm nọ Nam khoe, mùa đông này em không mua thêm quần áo. Tuy quần có hơi cộc nhưng vẫn mặc được. Em để dành tiền mua sách. Nghe mà “giận” bạn ấy quá chừng…

 

 Cuối cùng, là câu hỏi: Có nên cho con đọc truyện vượt quá lứa tuổi hay không?

Câu trả lời của riêng mình là: Có, nếu con thích.

     Mình quan niệm rằng, thế giới của sách cũng giống như cuộc đời. Bạn không thể nào cứ ngồi một chỗ để chỉ dẫn con đi theo đường nào. Bạn tự tin trang bị cho con những kiến thức “văn hóa nền” cần thiết, con sẽ tự quyết định. Mình nhớ năm Nam học lớp Năm, Nam hỏi: “Mẹ ơi, em đọc truyện Tiếng chim hót trong bụi mận gai có được không?” Mình bảo: “Được em ạ, nhưng truyện đó là một bản tình ca về tình yêu, mẹ nghĩ sẽ có nhiều chi tiết miêu tả về tình yêu đó. Em cứ đọc và em sẽ tìm được những điều mà em thích để chia sẻ với mẹ.” Nói thế xong mình hồi hộp ghê lắm, mình cũng tìm đọc lại và nghĩ trước những cách để nói chuyện với Nam. Nhưng sau đó, Nam đọc một số trang rồi tự dừng lại và nói: “Em nghĩ em sẽ để đọc sau.” Với các cuốn khác cúng thế. Mình cho Nam tự quyết định. Mình thường nói với con: “Khi mẹ còn nhỏ. mẹ cũng cố gắng đọc các cuốn sách lớn hơn so với tuổi, nhưng sau này, tìm đọc lại, mẹ nhận ra rằng, hồi nhỏ. mẹ đã không hiểu được hết cuốn sách. Điều đó thật lãng phí.”

       Một điều mình muốn gửi gắm thêm một lần nữa với các mẹ là, những điều kể trên, mình mới chỉ thực hiện trên đúng một “case study” là Nam, chưa có “khảo nghiệm” nào thêm nên thực sự không chắc lắm về tính đúng sai của nó. Mình viết để trả lời chung những câu hỏi mà các mẹ thường hỏi, về kinh nghiệm của cá nhân mình mà vì không có thời gian nên không trả lời riêng được. Mình tin bằng trái tim người mẹ, mỗi người lại tìm ra một cách riêng, phù hợp với con yêu của mình. Còn mình, mỗi lần viết ra là một lần được sống lại những quãng thời gian cùng Nam chơi và học. Lung linh, trong sáng vô cùng.

       Cuối phần này lại là một câu chuyện nữa về Nam, hy vọng mọi người sẽ đỡ mệt hơn. Hồi học lớp Ba, Nam mê mẩn truyện Harry Porter đến độ, ngoài Bắc chưa có, bố phải đặt từ trong Nam gửi ra. Nam đọc cả bản tiếng Anh và tiếng Việt dễ đến hàng trăm lần. Tối nào đi dạo Nam cũng kể say sưa, thở hổn hển đến nỗi mẹ chỉ nghe mà cũng thuộc hết các câu thần chú trong truyện. Hôm đó, cả nhà đi chơi xa. Tối mình vẫn giữ thói quen đi dạo và nghe Nam kể chuyện. Nam kể hăng quá, mẹ cũng nghe say sưa quá, đến lúc nhìn lại mới thấy mình đi quá xa và không biết đường về. Điện thoại thì không mang, lại ở một nơi vắng vẻ, xa lạ. Mình lo lắng vô cùng. Nam nắm tay mẹ bảo đừng lo, mẹ để em hô một câu thần chú nhé. Nam đọc gì đó. vừa đọc vừa dẫn mẹ ra bốt công an để hỏi đường. Chú công an nhìn thấy Nam quen nên nhiệt tình mời hai mẹ con lên xe để chở về khách sạn. Sau này, Nam cứ nhắc: “Đấy mẹ thấy không, nhớ thần chú có lợi thế đấy. Đọc lên một cái, không chỉ phù thủy mà cả công an cũng hiện ra”.

Chao ôi là cả một trời nhung nhớ…
Nam bụng bự của mẹ à!”

Ngọc Thu – Ban Nhân sự Dự án Yêu thương cho con - LFK

 

 

Ngày: 9/5/2020 - đăng bởi: giangnguyen
giangnguyen 05/09/2020 09:57:13 AM

Tag: #Trò chuyện cùng chuyên gia tâm lý



:

----------------