CÙNG CON TÌM HIỂU MÂM NGŨ QUẢ

CÙNG CON TÌM HIỂU MÂM NGŨ QUẢ
CUNG-CON-TIM-HIEU-MAM-NGU-QUA-1

Mâm ngũ quả là một phần không thể thiếu trong ngày tết cổ truyền của người Việt Nam. Trước là thờ cúng tổ tiên thể hiện lòng hiếu thảo, sau là gửi gắm ước vọng của mỗi gia đình cho một năm mới an khang, thịnh vượng.

Về nguồn gốc của mâm ngũ quả: Tại sao phải là “ngũ” quả, 5 quả chứ không phải là số lượng khác. Điều này xuất xứ từ quan niệm xưa thì tất cả mọi vật chất đều được tạo nên bởi 5 yếu tố ban đầu, đó chính là: kim loại (kim), nước (thủy), gỗ (mộc), lửa (hỏa) và thổ (đất) được gọi là ngũ hành. Không chỉ vậy, trong văn hóa phương Đông, không chỉ mâm ngũ quả mà nhiều quy luật tự nhiên khác cũng được gắn với chữ “ngũ” như: ngũ hành, ngũ cốc, ngũ quan, ngũ vị, ngũ tạng… Ngoài ra, “ngũ” còn thể hiện ước muốn của người Việt đạt được ngũ phúc lâm môn là Phúc, Quý, Thọ, Khang, Ninh.

Cũng bởi những lý do trên, cho nên ông cha ta đã chọn 5 loại trái cây để cúng vào đêm giao thừa với ngụ ý rằng: những sản vật này được đúc kết từ biết bao công sức, mồ hôi và nước mắt của người lao động, kính dâng lên đất trời, thần thánh trong giờ phút linh thiêng của vạn vật sinh tồn.

Các gia đình thường lau dọn ban thờ, sửa soạn, bày biện mâm ngũ quả tết vào ngày 29, 30 tháng Chạp. Mâm ngũ quả thường có 5 loại quả được bày trên một cái mâm bằng gỗ tiện, sơn son, có chân, gọi là mâm bồng.

Mỗi vùng miền có một tục lệ khác nhau về việc lựa chọn các loại quả bày trên mâm ngũ quả.

Với các gia đình ở miền Bắc, mâm ngũ quả thường gồm các quả sau: nải chuối hoặc phật thủ, bưởi hoặc cam, quất, đào hoặc hồng, táo, lựu, Mỗi loại quả mang một ý nghĩa gửi gắm: Nải chuối hoặc quả phật thủ: có ý nghĩa thể hiện sự che chở của trời phật cho con người; Bưởi, cam: thể hiện sự tròn vẹn, hứa hẹn năm mới tốt lành phúc lộc viên mãn; Quất: thể hiện sự sung túc, đa lộc; Đào, hồng: thể hiện sự hồng hào, thăng tiến và thành đạt; Táo: có ý nghĩa là phú quý; Lựu: có ý nghĩa tượng trưng cho con đàn cháu đống.

- Với các gia đình miền Nam, các loại quả chủ yếu để bày mâm ngũ quả bao gồm: Mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung. Những trái này đọc lái đi sẽ thành “cầu- vừa- đủ- xài- sung”, thể hiện mong muốn vừa đủ cho sự đủ đầy sung túc. Ngoài ra mâm ngũ quả miền Nam còn có thêm một cặp dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng tượng trưng cho sự may mắn và trái thơm (quả dứa) để tượng trưng cho con cái đủ đầy.

 Mâm ngũ quả miền Trung lại có sự giao thoa của hai vùng miền này. Các loại quả thường được bày rất đa dạng phong phú, bao gồm: chuối, bưởi, xoài, dưa hấu, cam, táo, nho, sung, dứa, mãng cầu …

Ngày nay, tên gọi là mâm ngũ quả (5 loại quả) nhưng ngày nay mâm ngũ quả rất đa dạng không quá câu nệ hình thức. Nhưng có lẽ việc bày biện một mâm ngũ quả đúng như truyền thống với những ý nghĩa thiêng liêng như trên thì tuyệt hơn đúng không các bạn nhỏ? Chúng mình hãy cùng nhau chuẩn bị một mâm ngũ quả thật đẹp để dâng tổ tiên ngày Tết nhé. Các bé có thể giúp bố mẹ lựa chọn, rửa sạch, lên ý tưởng và bày biện hoa quả. Đó chắc hẳn sẽ là một trải nghiệm khó quên của các bạn nhỏ trong dịp Tết này.

 

Ngày: 12/5/2020 - đăng bởi: giangnguyen
giangnguyen 05/12/2020 03:10:20 PM

Tag: #Trò chuyện cùng chuyên gia tâm lý



:

----------------